Đã từ lâu rồi tôi mới có dịp trải nghiệm và viết bài về một chiếc máy chiếu Full HD cao cấp, bởi mắt tôi không còn được tốt từ khi làm quen với những chiếc máy chiếu 4K. Nhưng lần này lại khác, nhân vật chính trong bài viết đem lại cho tôi quá nhiều thứ mới mẻ. Đó là chiếc máy chiếu phim tại gia BenQ W8000, flagship mới nhất của nhà sản xuất BenQ.
BenQ W8000 không còn thiết kế hầm hố, cồng kềnh như W7000 và W7500 trước kia, thay vào đó là bộ vỏ góc cạnh, gọn gàng hơn rất nhiều, và kèm theo đó là khả năng tùy biến tiêu cự ống kính. Nó dễ dàng làm cho tôi lầm tưởng là một chiếc máy chiếu dành cho hội trường lớn nếu không có dòng chữ “Home Cinema” phía trước. Đây có thể nói là động thái của BenQ dành cho siêu phẩm của mình nhằm tái định nghĩa máy chiếu phim tại gia cao cấp.
Tính năng tùy biến ống kính của W8000 là một lợi thế rõ ràng so với sản phẩm của đối thủ. Kết hợp với khả năng lens shift cả chiều ngang và chiều dọc, đây thực sự là một sản phẩm linh hoạt cho bất kì tình huống sử dụng nào. Việc thay đổi ống kính cũng rất dễ dàng như những chiếc máy ảnh DSLR, chỉ cần đẩy ngón tay vào cái lẫy Lens Release, vặn nhẹ ống kính để lấy ra.
Chiếc lens theo máy tôi review trong bài này nằm ở khoảng zoom standard. Ngoài ra, người dùng có thể tùy chọn 4 loại ống kính khác nữa từ Wide Fix đến Long Zoom. Những chiếc ống kính này build chắc chắn, đầm tay không khác gì những chiếc ống kính máy ảnh cao cấp mà tôi từng sử dụng.
Có một điểm đặc biệt mà BenQ luôn làm nổi bật W8000 trong website của hãng, đó là hệ màu REC. 709 được set up sẵn khi xuất xưởng. Điều này có nghĩa rằng, W8000 cho màu trung tính ngay ở chế độ mặc định (THX Mode) mà không cần calibrate can thiệp. Đây chắc chắn là điều tôi sẽ phải kiểm chứng bằng máy đo chuyên dụng.
Những chăm chút kĩ lưỡng của BenQ dành cho flagship của mình còn thể hiện qua button “Cinema Master” trên remote. Tại đây người dùng có thể tăng giảm tùy ý các tính năng nội suy của W8000 để cải thiện, tối ưu hình ảnh trình chiếu trên màn hình. Những tùy chỉnh này có tác dụng ngay tức thì khi tôi thay đổi. Motion Enhancer, Color Enhancer, Pixel Enhancer, Flesh Tone là những tính năng bạn có thể hiểu ngay tác dụng khi nhìn vào cái tên của nó. Ngoài ra còn có 2 tính năng mới mà BenQ tích hợp vào sản phẩm mới của mình: Digital Color Transient Improvement (DCTI) và Digital Luminance Transient Improvement (DLTI).
Đo đạc thực tế
Mặc dù biết trước kết quả, nhưng tôi vẫn muốn một lần kiểm chứng thực tế. Qua 2 bài test cân bằng trắng và CIEzyz chart, kết quả đo được ở chế độ THX rất tích cực. Có thể nói rằng BenQ W8000 làm cho những người hay vọc vạch calibrate như tôi chẳng còn gì để làm nữa.
Thử nghiệm tính năng
Pixel Enhance
Pixel Enhance là tính năng có tác dụng tương tự với Darbee Visual Presence, tuy không có nhiều mode để tùy chọn nhưng vẫn cho phép người dùng tăng giảm 16 mức level. Tính năng này cũng rất phổ biến trên các máy chiếu phim cao cấp khác với nhiều tên gọi khác nhau tùy hãng.
Tuy biết rằng đây chỉ là thuật toán nội suy, nhưng tác dụng của nó mang lại là không thể phủ nhận, nhất là đối với những hình ảnh chi tiết da mặt, tóc, vải quần áo. Đối với tôi, set ở mức 8 là vừa đủ để cảm nhận được độ chi tiết mà không làm mất tính tự nhiên.
Color Enhance
Đúng với hình ảnh quảng cáo trên website của BenQ, Color Enhance có tác dụng ngay tức thì khi tôi tăng level từng nấc một. Setting này tăng phần nào độ sáng, và sắc độ (Saturation) được đẩy lên rực rỡ. Tuy nhiên điều này cũng làm cho các cánh hoa bị bệt màu và mất dần chi tiết ở mức maximum. Màu sắc rực rỡ cũng không phải là gu của tôi, nên tôi tắt hẳn nó đi và tiếp trục trải nghiệm.
Digital Color Transient Improvement (DCTI) & Digital Luminance Transient Improvement (DLTI):
Tạm thời tôi chưa thẩy rõ tác dụng của hai setting này. Chỉ có một chút thay đổi nhỏ xuất hiện viền đen nhạt nơi rìa cánh hoa.
Tương phản động
Thông số độ tương phản của BenQ W8000 mà hãng công bố lên website chỉ ở mức 50.000:1, nhưng kèm theo đó là dòng quảng cáo “High Native Contrast for the Finest Details”, chính điều này làm cho con số 50.000:1 kia thực sự rất khũng khiếp. Để đánh giá độ tương phản động của máy, tôi dùng các file test video rất phổ biến để dễ so sánh.
Có thể nói rằng đây là máy flagship có độ tương phản tốt nhất mà tôi từng được xem, ở chế độ hoàn toàn mặc định của nhà sản xuất. không chỉ thể hiện tốt các chi tiết trong vùng tối, vùng sáng, mà còn đen đến cho người xem cảm giác trong trẻo, nổi khối, nhất là khi xem hình ảnh các tĩnh vật.
Trong lần trải nghiệm này, tôi set độ sáng đèn ở mức “normal” và thực sự màu đen của máy chưa làm tôi hài lòng. Có thể đây cũng là một chút gì đó đánh đổi, để có được độ tương phản động vượt trội. Tuy nhiên trong menu của máy tôi phát hiện dòng setting “Black levels” và “Dynamic Iris” bị ẩn đi, không cho phép can thiệp.
Màu da
Về khoản này thì tôi không còn gì để bình luận nữa, vì kết quả đo cân bằng trắng khi nãy đã nói lên tất cả.
Motion Enhance
Thuật toán nội suy khung hình cũng là một tính năng phổ biến trên các dòng máy chiếu phim cao cấp. Đây cũng là tính năng mà tôi không có cách nào để thể hiện trong bài viết, bởi hạn chế của thiết bị quay phim. Tôi chỉ có thể nói rằng đây là setting thực sự cần thiết đối với một chiếc máy chiếu phim cao cấp, đem lại tác dụng rõ ràng nhất ở những cảnh lia máy, chuyển động chậm. Tôi thường set ở mức middle.
Một số screenshot khác
Kết luận:
Mặc dù không được trang bị độ phân giải 4K thời thượng, nhưng cũng chính điều này tạo ra giá tiền hoàn toàn hợp lý đối với một chiếc máy chiếu Full HD thuộc hàng flagship của BenQ. W8000 đối với tôi là một chuẩn mực mới, đem lại cho tôi nhiều khái niệm mới để khó tính hơn trong các bài review sau này.
Còn đối với người sử dụng ở phân khúc cao cấp, BenQ đem lại một sản phẩm nhằm tái định nghĩa máy chiếu “Home cinema”. Tất cả những gì mà hãng chăm chút: REC. 709, ống kính rời, button “Cinema Master” trên remote, các thuật toán Enhance đều đem lại giá trị sử dụng rất thực tế. Và dĩ nhiên, chất lượng hình ảnh là rất xứng đáng so với số tiền bỏ ra để sở hữu.