Nhạc hi-res đã xuất hiện cách đây khá lâu và đã dần phổ biến rộng rãi ở nhiều thiết bị. Nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu đúng khái niệm nhạc hi-res với các thiết bị nghe nhạc.
Nhạc hi-res có thể hiểu đơn giản là nhạc chất lượng cao. Cũng giống như ảnh, độ phân giải càng cao thì ảnh càng sắc nét và đẹp. Nhưng độ nét còn ảnh hưởng ở nhiều yếu tố khác. Nhạc hi-res cũng giúp trải nghiệm của người dùng trung thực, tự nhiên hơn. Nhưng cũng nên lưu ý rằng, tai hay mắt người đều có ngưỡng nhất định về khả năng phân biệt độ phân giải của ảnh, âm thanh.
Thực tế, nhạc hi-res đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng khái niệm rõ ràng về nó thì mới được đưa ra. Trước đây, người ta vẫn đem chất lượng chuẩn CD ra làm chuẩn mực. Nhưng định dạng CD gần đây dần mất ưu thế trên thị trường, do không linh hoạt như lưu nhạc trên máy tính, điện thoại, mà chất lượng lại không cao như đĩa than. Thực ra CD vẫn là nhạc số được lưu trữ ở đĩa vật lý, chứ không phải analog. Do vậy, về bản chất đĩa CD không khác nhiều so với lưu nhạc số trên máy tính.
Hiện nay, đã có không ít các trang nhạc như Spotify, Apple Music, Deezer, Qobuz, Tidal… đều là streaming, tức là nghe nhạc trực tuyến chứ không cần tải về lưu trong máy nữa. Nhạc số có rất nhiều định dạng và cách thức lưu trữ khác nhau, mà cơ bản nhất là nhạc nén như Mp3, FLAC hay nhạc không nén như WAV. Mà trong đó, FLAC hay WAV có thể coi là nhạc Hi-res. Đó là chuyện về chuẩn PCM, còn với DSD thì đương nhiên là hi-res.
Sự khác biệt của nhạc hi-res và nhạc MP3
Ba tổ chức lớn là Hiệp hội giải trí kỹ thuật số (DEG), Hiệp hội điện tử tiêu dùng (CEA) và Viện hàn lâm ghi âm Mỹ cùng với ba hãng thu âm lớn là Sony, Universal và Warner Music đã cùng nhau đưa ra tiêu chuẩn cơ bản cho nhạc hi-res là những bản nhạc được thu lại ở chuẩn PCM 24bit-96kHz trở lên, hoặc DSD 2.8 trở lên. Các định dạng nhạc hi-res thường gặp là FLAC, ALAC, WAV, AIFF, DSD… Nhiều người cho rằng, nhạc hi-res còn tốt hơn so với việc nghe bằng CD. Điều này hoàn toàn đúng trong điều kiện lý tưởng về thiết bị nghe, tức là đầu CD tương đương với bộ DAC. Thực chất, nhạc lưu trữ trong đĩa CD chỉ ở mức 16bit/44.1kHz tương đương truyền được 1411kbps tín hiệu, còn nhạc hi-res luôn tối thiểu 24bit/192kHz, tức là ở khoảng 9216kbps. Thông tin mà nhạc hi-res truyền tải luôn cao hơn.
Mô hình cơ bản của hệ thống nhạc hi-res
Nhưng để tận hưởng nhạc hi-res, người dùng cần nhiều hơn các bản thu. Loa / tai nghe, ampli và nguồn phát (như điện thoại, máy tính, music server…) cũng cần tương thích với nhạc hi-res, tức là có chất lượng đủ cao để thể hiện sự khác biệt. Điển hình như Bluesound, Oppo, Sony… đã gắn mác “hi-res audio” cho các sản phẩm của họ là vì vậy.
Lợi ích của âm thanh hi-res là khá rõ ràng, nhưng không phải mọi người đều cần tới nó. Đa phần nhiều người vẫn thỏa mãn với giai điệu mà nhạc Mp3 mang lại. Nhưng hãy để đôi tai của bạn quyết định khi nghe thử nhạc hi-res với các thiết bị âm thanh hiend, chắc chắn bạn sẽ bị cuốn hút bởi khả năng trình diễn âm thanh sạch, chi tiết, sống động mà nhạc mp3 không thể đáp ứng tốt được như hi-res.
Nguồn: tổng hợp