Bắt đầu phổ biến rộng rãi vào những năm 2014, Dolby Atmos được biết đến như là chuẩn mã hoá âm thanh chất lượng cao cấp nhất cho các hệ thống xem phim tại gia. Nhờ Dolby Atmos, các studio sản xuất có thêm công cụ để lột tả được cảm xúc cho bộ phim. Nhưng bỗng dưng, Dolby Atmos có mặt ở khắp mọi nơi. Ngoài những bộ Ampli receiver đa kênh, chúng ta có thể dễ dàng thấy logo Dolby Atmos hiện lên trên các hệ thống loa soundbar, TV, hay thậm chí là điện thoại di động. Đó có thực sự là âm thanh Atmos không, chúng ta có cần chúng không.
Một hệ thống Dolby Atmos đúng nghĩa sẽ mang đến âm thanh không gian 3 chiều, vậy liệu những thiết bị soundbar, TV, smartphone có làm được như vậy không. Hầu hết mọi người tin rằng, Dolby Atmos là một tiêu chuẩn gì đó thế hệ mới, mang lại chất lượng âm thanh tốt hơn. Nhưng tốt hơn thế nào, có ai giải thích được điều đó.
Ban đầu Dolby Atmos được thiết kế cho các rạp chiếu phim thương mại. Cha đẻ Dolby gọi đây là “sự phát triển vượt bật nhất kể từ thời đại âm thanh vòm”. Hiểu một cách đơn giản, Dolby Atmos là sự mở rộng từ hệ thống 5.1 hoặc 7.1 có sẵn, thêm kênh âm thanh trên đầu, thế là bạn đã có hệ thống âm thanh vòm từ mọi hướng.
Rạp chiếu phim Dolby Atmos đầu tiên tại UK có đến 400 cái loa, tạo nên một hệ thống âm thanh giả lập môi trường đúng nghĩa. Đưa trải nghiệm điện ảnh lên một tầng cao mới, đó là sứ mệnh của Dolby Atmos đặt ra. Tất nhiên rằng, một hệ thống 400 cái loa là bất khả thi đối với những hệ thống âm thanh phòng chiếu phim tại gia.
Dolby Atmos được thương mại hoá ở thị trường gia dụng đầu tiên ở những chiếc Ampli receiver đa kênh. Nếu bạn đã trang bị đủ receiver công nghệ mới và hệ thống loa đầy đủ, bạn cần có nguồn phim có âm thanh Dolby Atmos, và nguồn đó chỉ đến từ những đĩa phim bluray, hoặc ít nhất là nguồn phim được rip từ những đĩa bluray đó.
Bộ phim đầu tiên được phát hành định dạng bluray, kèm theo Dolby Atmos, đó là Transformer: Age of Extinction năm 2014. Để có thể tận hưởng đầy đủ dolby atmos, bạn cần có hệ thống 7.1.2, hoặc ít nhất là 5.1.2 nếu như diện tích phòng bạn không cho phép.
Nếu nâng cấp từ hệ thống âm thanh có sẵn, sẽ không khó nếu bạn lựa chọn loa âm trần để bổ xung vào hệ thống. Hoặc loa được thiết kế có góc phát âm thanh thẳng lên trần, và tận dụng trần nhà bạn như một tấm gương phản xạ.
Đó là những cách để tận hưởng âm thanh dolby atmos từ 2014. Vậy đến nay là giữa năm 2020, dolby atmos có những tiến bộ nào, chúng ta dễ dàng nhìn thấy đâu đó những chiếc soundbar, được quảng cáo là Atmos soundbar. Vậy chúng có thật sự đem lại trải nghiệm dolby atmos đúng nghĩa không.
Từ khi được phát triển và thương mại hoá, Dolby Atmos đã có ý nghĩa là bao trùm từ mọi hướng, từ trước ra sau, từ trái qua phải. Đối với một chiếc loa soundbar, thực tế là rất khó để đạt được điều này.
Yamaha là hãng âm thanh tiên phong phát triển dòng sản phẩm Atmos soundbar, với công nghệ DSP tích hợp, khả năng hiệu chỉnh beam …. Tôi đã từng được trải nghiệm chiếc Yamaha YSP-1, phải công nhận rằng nó khác biệt so với những chiếc soundbar stereo truyền thống, nhưng đối với tôi, đó là chưa đủ.
Tôi hoàn toàn đồng ý và mong rằng công nghệ Atmos soundbar sẽ ngày càng tốt hơn nữa, vì thực sự nó mang lại cho thị trường một giải pháp tuyệt vời cho những không gian giải trí multimedia, và hơn nữa là chi phí thấp hơn hẳn. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở một sự thoả hiệp giữa sự tiện lợi và chất lượng âm thanh.